parallax background

Dạy, Học và Giáo Dục Giả Hiệu

 
Trong “Dạy, Học và Giáo Dục Giả Hiệu", chúng ta học được rằng, trái ngược với giáo dục nhồi sọ, giáo dục chân chính là một nghệ thuật hợp tác, tức là một hoạt động hỗ trợ cho người học chứ tự nó không thể tạo ra việc học đúng nghĩa. Một phần của tiểu luận "Dạy và Học" này được đăng trên From Parnassus, một tuyển tập các bài tiểu luận để vinh danh Jacques Barzun, được biên tập bởi William R. Keylor và Dora B. Weiner (New York: Harper & Row, 1976); phần còn lại không được xuất bản. Khái niệm dạy và học trong bài tiểu luận này là nền tảng của chương trình Paideia.

Ai cũng biết, hoặc nhất định phải biết rằng giáo dục nhồi sọ không phải là giáo dục chân chính. Kết quả của giáo dục nhồi sọ trái ngược hoàn toàn với việc học chân chính. Thế nhưng, thực tế cho thấy rằng, hầu hết những gì đang diễn ra trong các lớp học, đích thị là giáo dục nhồi sọ. Kết quả học tập chúng ta đang đo lường bằng những bài kiểm tra chuẩn hoá không phải là sản phẩm của việc học chân chính.

Tất cả việc học đều xuất phát từ sự hướng dẫn hoặc sự tự khám phá - nghĩa là, việc học có thể có hoặc không có sự trợ giúp của giáo viên. Người giáo viên đóng vai trò như người hướng dẫn, họ có thể hiện diện và tương tác trực tiếp với học viên của mình như trong các lớp học, hoặc họ có thể chỉ hiện diện thông qua sách vở, công cụ. Khi hướng dẫn bằng sách vở, người giáo viên không thể tham gia thảo luận trực tiếp với những học viên đang học bằng cách đọc sách của mình, họ có thể đưa ra những câu hỏi ban đầu cho học viên của mình, nhưng không thể hỏi câu tiếp theo - câu hỏi đặt tiếp cho những câu trả lời mà học viên đưa ra cho những câu hỏi ban đầu của họ. Vì thế cho nên khi hướng dẫn bằng sách vở, người giáo viên gặp phải một giới hạn rất lớn trong việc thực hành nghệ thuật giảng dạy, dù người đó đã nỗ lực hết sức trong khả năng của mình áp dụng những quy tắc của môn nghệ thuật này để truyền đạt những gì họ biết.

(Câu hỏi từ Self Hiil: Điểm giống nhau trong việc học của người có và không có sự hướng dẫn của giáo viên là gì?)

Nỗ lực truyền đạt những gì người giáo viên biết, bản thân nó, không phải là một phương pháp giáo dục hiệu quả. Bắt nguồn từ một thực tế là những nỗ lực như vậy hiếm khi nào thành công, tốt nhất cũng chỉ thành công một phần mà thôi. Giáo dục chỉ được coi là thành công khi tâm trí của học viên chuyển từ trạng thái không biết hoặc trạng thái sai lầm sang trạng thái am hiểu. Kiến thức mà học viên học được có thể là kiến thức mà giáo viên đã biết, hoặc là điều mà bản thân học viên đang thắc mắc và tìm hiểu. Trong cả hai trường hợp, sự chuyển đổi chỉ diễn ra trong tâm trí của người học viên khi họ đã thực hiện những bước đi có tính toán kĩ lưỡng để đem lại sự chuyển đổi này. Do đó, những điều giáo viên làm nhất định phải được cân nhắc để thay đổi tâm trí của người học. Chỉ đơn thuần cổ vũ học viên học thôi thì chưa đủ, khuyến khích không phải là giáo dục.

(Câu hỏi từ Self Hiil: Điều xảy ra nếu người học tự ý thay đổi trình tự của những hoạt động học đã được giáo viên thiết kế kỹ lưỡng?)

Giáo dục giả hiệu

Vì bất cứ điều gì có thể học được bằng cách hướng dẫn trước tiên chắc chắn đã được khám phá mà không cần đến sự trợ giúp của giáo viên nên sự hiện diện của giáo viên, nói một cách tuyệt đối, không cần thiết. Tuy nhiên, giáo viên vẫn đóng vai trò hữu ích vì phần đa mọi người cần được hướng dẫn để học cái mà họ có thể tự khám phá ra. Nếu như chúng ta nhận thức được (thật ra thì chúng ta cũng nên nhận thức được) là việc học chân chính không thể xảy ra nếu như không có hoạt động của người học (sự tiếp thu thụ động hoặc ghi nhớ thuộc lòng không xứng đáng được gọi là học), thì chúng ta cũng phải công nhận rằng toàn bộ việc học là một quá trình khám phá từ phía người học.

Điều này làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về sự khác biệt giữa học bằng cách tự khám phá và học thông qua sự hướng dẫn. Nếu học thông qua sự hướng dẫn không gắn với sự tiếp thu thụ động hay sự ghi nhớ thuộc lòng thì sự phân biệt này chia tất cả các hình thức học tập chủ động thành 2 loại - khám phá không sự trợ giúp (khám phá không có sự hỗ trợ của giáo viên), và khám phá có sự trợ giúp (khám phá có sự hỗ trợ có chủ đích của giáo viên). Trong cả hai trường hợp, nguyên nhân chính yếu làm nảy sinh việc học chính là hoạt động khám phá từ phía người học viên. Trong trường hợp có sự hỗ trợ, tốt nhất là người thầy chỉ nên đóng vai trò như là một công cụ chỉ đường hoặc hỗ trợ quá trình khám phá của người học. Khi chúng ta đề cao vai trò của người giáo viên hơn là một công cụ hỗ trợ, có nghĩa là chúng ta đang cho rằng chỉ cần hoạt động của người giáo viên là đủ để tạo ra việc học nơi người học, ngay cả khi người học hoàn toàn thụ động.

Điều này sẽ dẫn đến việc xem học viên như là một bệnh nhân cần chữa trị chứ không phải là một chủ thể tác động mà vai trò của họ là chính yếu và cần thiết. Ngược lại, hoạt động hỗ trợ của người thầy mới chính là thứ yếu và không cần thiết.

Những điều cơ bản này được Socrates đề cập, trong cuốn sách Theaetetus, ông mô tả vai trò của mình khi là một giáo viên cũng tương tự như công việc của một nữ hộ sinh, nữ hộ sinh không làm gì khác ngoài việc hỗ trợ mẹ bầu sinh con ít đau đớn hơn và an toàn hơn. Tức là, theo Socrates, giáo viên là người hỗ trợ tâm trí ham học hỏi và khám phá của người học để sản sinh ra tri thức và hỗ trợ cho quá trình khám phá của người học được diễn ra.

(Câu hỏi từ Self Hiil: Bạn có đồng ý với quan điểm toàn bộ việc học là một quá trình khám phá từ phía người học không?)

Giảng dạy là một nghệ thuật hợp tác, giống như nghề nông và chữa bệnh. Hiểu được điều này, Comenius, trong The Great Didactic đã nhiều lần so sánh việc trau dồi/ nuôi dưỡng tâm trí giống như việc làm nông; và Plato cũng so sánh nghệ thuật của người thầy với nghệ thuật của người thầy thuốc.

Trong các môn nghệ thuật như đóng giày và đóng tàu, hội họa và điêu khắc (nghệ thuật mà tôi gọi là "chế tác" để phân biệt với ba loại hình nghệ thuật hợp tác giáo dục, làm nông và chữa bệnh), người nghệ sĩ là nhân tố chính tạo ra sản phẩm. Thiên nhiên có thể cung cấp các nguyên vật liệu để tạo kiểu hoặc chuyển đổi thành những sản phẩm mong muốn, và thậm chí có thể cung cấp các mô hình để mô phỏng theo. Tuy nhiên, nếu không có sự can thiệp của người nghệ sĩ thông qua kĩ năng và tay nghề của mình, thiên nhiên sẽ không tự sản xuất ra giày, tàu bè, tranh vẽ hoặc tượng.

Không giống như nghệ sĩ chế tác là người hướng tới vẻ đẹp hoặc sự tiện dụng, người nghệ sĩ hợp tác chỉ đơn thuần hỗ trợ thiên nhiên tạo ra kết quả mà nó có thể tự tạo ra bằng chính sức mạnh của mình mà không cần sự hỗ trợ của họ - không cần có sự can thiệp về mặt kỹ năng hay tạo tác. Trái cây và ngũ cốc tự sinh tự lớn; người nông dân can thiệp chỉ để đảm bảo rằng những sản phẩm sinh ra từ tự nhiên này phát triển một cách cân đối hơn và đạt sản lượng tốt hơn. Cơ thể có khả năng tự chữa lành - để duy trì và hồi phục sức khoẻ; người bác sĩ theo tư tưởng của Hippocrate về nghệ thuật chữa bệnh chỉ cố gắng hỗ trợ và củng cố các quá trình tự nhiên diễn ra trong cơ thể. Tâm trí cũng giống như cơ thể, có quyền năng để xác định và đạt được những gì tốt nhất cho bản thân - tri ​​thức và sự hiểu biết. Việc học sẽ vẫn tiếp diễn nếu không có thầy cô, cũng như việc tự hồi phục và sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên sẽ vẫn diễn ra nếu không có thầy thuốc và người nông dân. Giống như người nông dân và thầy thuốc, giáo viên phải nhạy cảm với quá trình tự nhiên và tài năng của họ là để giúp quá trình tự nhiên này diễn ra một cách tối ưu nhất - đó gọi là quá trình học hỏi tự nhiên.

Bản chất hoạt động học tập của con người quyết định chiến lược và phương pháp dạy học. Vì bản chất của việc học là một quá trình khám phá, việc học dẫn đến việc mở rộng kiến thức và nâng cao sự hiểu biết (chứ không phải là ghi nhớ, thuộc lòng các sự kiện) nên tài nghệ của người giáo viên chủ yếu nằm ở chỗ những phương pháp, công cụ hỗ trợ mà nhờ đó họ có thể giúp một cá nhân tự đi từ trạng thái hiểu biết ít hơn đến trạng thái hiểu biết nhiều hơn. Bị bỏ mặc với những phương pháp riêng của mình, người học sẽ không đi được xa trừ phi họ tự đặt câu hỏi, nhận thức được các vấn đề cần phải giải quyết, phân vân khi trước các tình huống khó xử, tự mình suy xét các hàm ý của giả thuyết này hoặc giả thuyết kia, quan sát và cân nhắc bằng chứng của các giả thuyết thay thế, v.v. Người giáo viên, sau khi nhận thức được những bước không thể thiếu trong quá trình mà tự bản thân tâm trí họ đã vận động để đạt tới trạng thái hiểu biết hơn, họ đã nghĩ ra cách để giúp một cá nhân khác tham gia vào một quá trình tương tự; và họ áp dụng chúng với một sự nhạy cảm với trạng thái tâm trí của người học và với sự nhận thức rõ ràng những khó khăn mà học viên phải vượt qua để đạt được tiến bộ trong tâm trí của mình.

Sự rèn luyện trong những môn học truyền thống giúp hình thành những kĩ năng mà thông qua đó học viên trở nên thành thạo và quen với việc học. Đó chính là kĩ năng đọc và viết, nghe và nói, kỹ năng quan sát, đo lường, tính toán - khả năng ngữ pháp, năng lực hùng biện và tư duy logic, Toán học và kĩ năng điều tra. Nếu không có sự thành thạo nhất định ở những kỹ năng này, con người không thể học được nhiều, cho dù được hay không được hỗ trợ bởi sách vở và sự hướng dẫn của giáo viên.

Sự so sánh của Hippocrates về việc chữa bệnh như một nghệ thuật hợp tác cung cấp cho chúng ta những ý tưởng tương tự về nghệ thuật hợp tác giảng dạy. Hippocrates, cha đẻ của y học Phương Tây, đã viết những chuyên luận về những nguyên tắc để chữa bệnh như một nghệ thuật hợp tác. Đó là những quy tắc kiểm soát chế độ dinh dưỡng của người bệnh, thức ăn người đó ăn, không khí xung quanh người đó thở, thời gian thức giấc và đi ngủ, nước người đó uống, những bài tập thể dục người đó tập,..v.v Bằng cách kiểm soát chế độ sống của bệnh nhân - ăn uống, giờ giấc, sinh hoạt, môi trường xung quanh - bác sĩ giúp cơ thể người bệnh nhân tự chữa lành thông qua các quá trình chuyển hoá tự nhiên trong cơ thể.

Về việc sử dụng thuốc và đưa các chất lạ vào cơ thể, Hippocrates cho rằng đó là phương pháp ít hợp tác nhất trong tất cả các phương pháp điều trị y tế. Ông coi phẫu thuật là một biện pháp quyết liệt chỉ nên được sử dụng khi tất cả những phương pháp hợp tác khác đều thất bại; nói chính xác hơn là, phẫu thuật là một biện pháp chế tác chứ không phải là một quy trình hợp tác.

(Câu hỏi từ Self Hiil: Bạn thấy nghề giáo có sự tương đồng với những nghề nào ngoài nghề nông và nghề y?)

Trong bối cảnh giáo dục, tương đương với phẫu thuật chính là giáo dục nhồi sọ, kết quả của giáo dục nhồi sọ mang lại là việc ghi nhớ thuộc lòng và sự hấp thụ kiến thức một cách thụ động mà không hiểu gì về nó. Giáo dục nhồi sọ gây ra sự cưỡng ép đối với tâm trí, cũng như cách phẫu thuật gây ra sự cưỡng ép đối với cơ thể. Sự khác biệt duy nhất ở đây là không có một lý do nào có thể biện minh cho giáo dục nhồi sọ trong khi có thể tồn tại những lý do biện minh cho những ca phẫu thuật.

Giáo viên nào tự coi mình là tác nhân chính yếu hay là duy nhất dẫn đến sự học ở học trò thì họ không hiểu rằng giáo dục là bộ môn nghệ thuật hợp tác. Họ nghĩ rằng bản thân họ đang tạo ra kiến thức hoặc sự hiểu biết trong đầu của người học sinh giống như cái cách mà những người thợ đóng giày làm ra những chiếc giày từ những tấm da hoặc miếng nhựa.

Chỉ khi người giáo viên nhận ra rằng tác nhân chính yếu dẫn đến sự học ở học trò chính là hoạt động của chính tâm trí người học sinh, khi đó họ mới bắt đầu thực hiện vai trò của người nghệ sĩ hợp tác. Dù rằng hoạt động trí óc của người học là tác nhân chính dẫn đến các hoạt động học tập nhưng đó không phải là tác nhân duy nhất. Ở đây giáo viên đóng vai trò là tác nhân thứ yếu và phụ trợ.

Nếu như trong quan điểm của Hippocrates, phẫu thuật là một bước rời xa khỏi nghệ thuật hợp tác trong chữa bệnh, thì trong quan điểm của Socrates, giáo dục thông qua giảng dạy, truyền thụ thay vì giáo dục bằng cách đặt câu hỏi và thảo luận, chính là một bước rời xa khỏi nghệ thuật hợp tác trong giáo dục.

Bài giảng là hình thức giáo dục tương tự như việc sử dụng thuốc và điều trị trong thực hành y khoa. Sẽ không có bạo lực diễn ra đối với với tâm trí người học nếu như người giảng viên cố tránh tất cả những hình thức nhồi sọ, nhưng dù gì đi chăng nữa bài giảng vẫn là thứ mà trí óc ta bắt buộc phải hấp thu trước khi có thể tiêu hóa và lựa chọn những kiến thức được đưa vào, ngay cả khi người nghe rất tích cực tham gia. Nếu người học tham gia một cách thụ động và hấp thu thụ động bằng cách ghi nhớ, bài giảng có tác dụng tương tự như sự nhồi sọ, ngay cả khi giảng viên đã cẩn thận hết sức để tránh điều đó. Nói tóm lại, bài giảng cũng không khác gì sách vở với vai trò là một người giáo viên, bài giảng là một hình thức diễn đạt bằng lời còn sách vở là một hình thức truyền đạt kiến thức bằng văn bản.

Tốt nhất là, bài giảng chỉ nên là một cơ hội để học hỏi, một thử thách đối với tâm trí của người nghe và một lời mời tìm hiểu. Nếu bài giảng luôn đi kèm với một số thảo luận về những vấn đề đã được giảng dạy và nếu có sự trao đổi tích cực giữa giáo viên và học sinh thông qua việc đặt câu hỏi, thì ở một mức độ nào đó, phương pháp giáo dục này có thể được hiểu như một cách giáo dục chân chính thay vì giáo dục nhồi sọ các ý kiến cần được ghi nhớ, lưu giữ lại, lặp lại trong các kỳ thi, và sau đó phần lớn bị lãng quên sau khi các bài kiểm tra đã kết thúc.

Tương tự với kỹ thuật điều trị hợp tác toàn bộ trong việc kiểm soát chế độ sinh hoạt của bệnh nhân là kỹ thuật sư phạm hợp tác toàn bộ để thu hút người học tham gia thảo luận - dạy bằng cách hỏi thay vì dạy bằng cách giảng giải, việc đặt câu hỏi không chỉ đơn thuần để gợi ra câu trả lời rồi phân loại học viên (như trong các bài kiểm tra, không có hề ý nghĩa giáo dục), mà còn giúp gợi mở ra những hướng tìm hiểu mới cho học viên.

Khi sự hướng dẫn không đi kèm với sự khám phá của học viên, khi sự hướng dẫn chỉ tạo nên những ấn tượng trong trí nhớ mà không hề có sự thấu hiểu, thì đó không phải là giáo dục chân chính, mà chỉ là giáo dục nhồi sọ.

(Câu hỏi từ Self Hiil: Bạn sẽ làm gì để học hiệu quả nếu như người thầy giảng dạy theo hướng “nhồi sọ”?)

Giáo dục chân chính phân biệt rõ với giáo dục nhồi sọ ở điểm là nó luôn luôn bao gồm các hoạt động từ phía giáo viên trong sự hợp tác với các hoạt động của tâm trí của học sinh trong quá trình khám phá.

Trong tiếng Hy Lạp, từ “tâm trí”, nous, gắn liền với sự hiểu biết. Điều gì mà chúng ta không hiểu, chúng ta chỉ giữ lại trong tâm trí như là một điều được ghi nhớ.

Ký ức là một sản phẩm phụ của nhận thức bằng giác quan; hiểu biết là một hành động của trí tuệ. Chúng ta không nên nhầm lẫn những câu nói ta nhớ nằm lòng với những sự kiện được ta hiểu thấu đáo.

Tương quan với sự khác biệt giữa tâm trí và ký ức là sự khác biệt giữa kiến thức và ý kiến. Khi nói ta biết một điều gì (kiến thức) nghĩa là ta hiểu về điều đó với đầy đủ suy luận và các bằng chứng hỗ trợ cho suy luận đó, và điều này hoàn toàn khác với việc có ý kiến về một điều gì đó.

Học sinh sản sinh ra kiến thức thông qua các hoạt động tâm trí của mình, có thể có hoặc không có sự trợ giúp của giáo viên. Thế thì vì sao mà học sinh lại chỉ có ý kiến thay vì có kiến thức, nhất là về những điều họ đã học trong suốt quá trình đi học?

Lý do là vì các em đã tiếp nhận những ý kiến này từ “quyền uy trắng trợn” của thầy cô, những người đã giảng dạy như những nghệ nhân chế tác thay vì hợp tác - những thầy cô đã nhồi sọ học sinh bằng phương pháp đọc, chép, giáo huấn chứ không có bất kỳ một hoạt động nào khiến học sinh phải suy nghĩ hay khám phá. Tôi dùng cụm từ “quyền uy trắng trợn” để chỉ thứ quyền lực mà người giáo viên đã tự cấp cho mình khi họ bắt học sinh phải chấp nhận những gì mình nói chỉ vì mình là thầy.

Thứ quyền uy duy nhất mà những người giáo viên chân chính (chứ không phải những người giáo viên nhồi sọ) nên dựa vào đó chính là quyền uy của những suy luận xác đáng hoặc của những bằng chứng rõ ràng chứng minh cho những điều được dạy. Khi không có thứ quyền uy này, người giáo viên không thể giúp học sinh sản sinh ra kiến ​​thức họ muốn truyền đạt. Học sinh chỉ có thể nhồi sọ những ý kiến ​có thể lưu giữ rất lâu hoặc mất ngay sau đó. Những ý kiến từ quyền uy trắng trợn từ giáo viên chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Các ý kiến được ghi nhớ, hoặc được củng cố tạm thời bằng cách "luyện tập cho các bài kiểm tra" là những ý kiến sẽ sớm bị lãng quên.

Những thói quen về kỹ năng được hình thành từ hình thức giáo dục mang tên khai vấn (coaching) sẽ tồn tại lâu bền hơn. Khai vấn mang tính hợp tác hơn so với giáo dục giảng dạy ngay cả khi những gì giáo viên giảng dạy sau đó được làm sáng tỏ hơn thông qua thảo luận. Thói quen không phải là ký ức. Thói quen chỉ được hình thành thông qua phương pháp khai vấn và huấn luyện, chứ không phải thông qua các bài giảng và thông qua đọc sách.

Hầu hết những học sinh đã vượt qua bài thi chuẩn hoá cuối năm, chủ yếu là bài kiểm tra trí nhớ, sẽ không thể vượt qua cũng chính bài thi đó vào đầu năm học mới, nếu như học sinh đó không được báo trước để chuẩn bị. Tuy nhiên, những kĩ năng được hình thành thông qua thói quen đọc và viết chẳng hạn khi được đánh giá vào cuối năm học và sau đó đánh giá lại thì rất ít khi bị mất.

Ý tưởng và kiến thức một khi đã được hiểu thấu và sản sinh trong ta sẽ ở lại với ta lâu nhất. Những gì ta đã hiểu ta sẽ không thể dễ dàng quên lãng vì đó là một thói quen của trí tuệ, chứ không phải chỉ là một điều để nhớ. Bất cứ ai thấu hiểu rằng sự thật là hiển nhiên khi và chỉ khi nó không thể bị phủ nhận bởi chiều ngược lại, sẽ đi đến việc hiểu nó sâu sắc.

Để kiểm tra hoặc đánh giá sự hiểu biết của học sinh, công cụ hữu hiệu duy nhất là kiểm tra vấn đáp, một hình thức thăm dò tâm trí bằng cách liên tục đặt câu hỏi, càng sâu càng tốt.

Sự hiểu lầm phổ biến hiện nay về dạy và học đã dẫn đến một hiện trạng đáng buồn, mà giáo sư John Goodlad đã chỉ ra trong cuốn sách A Place Called School, rằng 85% thời gian ở lớp học tiêu tốn cho việc giáo dục theo kiểu giảng dạy giáo huấn - nhồi sọ, hoàn toàn không phải là giáo dục chân chính. Điều đó dẫn đến việc “học gạo”, những ý kiến được ghi nhớ ngắn ngủi, chủ yếu thông qua lời nói của giáo viên, ý kiến được thu thập thông qua “quyền uy trắng trợn” của những người giáo viên “nhồi sọ".

Quan niệm cho rằng thầy cô là những người có kiến thức và truyền lại những kiến thức đó cho học sinh tiếp thu một cách thụ động là một quan niệm vi phạm bản chất tự nhiên của giáo dục, tức là một nghệ thuật hợp tác. Quan niệm đó cho rằng giáo dục chân chính có thể diễn ra thông qua những lời giảng mà không cần có hoạt động suy nghĩ, khám phá và thấu hiểu trong tâm trí của người học sinh.

Cách chúng ta kiểm tra và đánh giá học sinh và cách chúng ta xếp loại học sinh quyết định nội dung giáo viên dạy, phương pháp họ dạy, và học sinh học gì, học như thế nào. Các phương pháp hiện tại của chúng ta cổ súy cho giáo dục nhồi sọ hơn là giáo dục chân chính, cổ suý cho sự ghi nhớ hơn là sự học hỏi chân chính.

Chỉ khi chúng ta thay đổi hoàn toàn các phương pháp kiểm tra và xếp loại học sinh hiện nay, chúng ta mới có thể mong đợi người giáo viên trở thành những nghệ sĩ “hợp tác” thay vì là những người giảng dạy “nhồi sọ”, và chúng ta mới có thể mong đợi học sinh của mình trở thành những người học chân chính thay vì chỉ là những bộ máy ghi nhớ.

Tất cả các bài kiểm tra viết của chúng ta nên chuyển thành bài kiểm tra mở để học sinh không phải học bằng cách khắc sâu những gì họ chưa nhớ hết, mà bằng cách cố gắng hiểu sâu hơn những gì mình đã được dạy, hoặc trau dồi tư duy của mình về những điều đó. Nếu các kỹ năng về thói quen cần được đánh giá, chúng nên được đánh giá bằng các bài kiểm tra năng lực mà kết quả đánh giá là phù hợp hoặc chưa phù hợp hay còn thiếu sót ở điểm nào. Và để đo lường mức độ hiểu biết, công cụ hữu hiệu duy nhất chính là kiểm tra vấn đáp.


Bốn điều cần thiết trong việc đào tạo giáo viên trở thành những nghệ sĩ hợp tác:

  1. Bản thân họ nên sở hữu các kiến thức mà học sinh có thể học được thông qua nỗ lực giảng dạy của họ, nhưng chỉ điều này thôi thì chưa đủ. Họ cần phải có sự thấu hiểu về tất cả những gì họ biết để họ có thể bổ sung cho phần giảng dạy của mình thông qua cách đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi, dẫn dắt thảo luận nhằm giúp học sinh sản sinh ra kiến thức của riêng mình, những kiến thức đi kèm với sự hiểu biết thực sự.
  2. Giáo viên cần có những kỹ năng trí tuệ để khai vấn, huấn luyện và họ nên am hiểu cách thức để hình thành thói quen sử dụng những kỹ năng này cho học sinh mà họ huấn luyện.
  3. Họ phải có sự hiểu biết về các ý tưởng và vấn đề mà họ muốn giúp học viên của mình hiểu được thông qua việc thảo luận tại các buổi hội thảo tổ chức kiểu Socratic. Để đạt được điều này, họ nên được đào tạo về nghệ thuật tổ chức các buổi hội thảo bằng cách quan sát những người khác tổ chức, bằng cách tự mình tham gia với tư cách là học viên và bằng cách tự tổ chức buổi hội thảo dưới sự giám sát phê bình của các bậc thầy về nghệ thuật này.
  4. Điều quan trọng nhất, họ phải có một sự chuẩn bị và tâm thế sẵn sàng đến mức họ hiểu được vai trò chính yếu của mình, cũng chính là một người học. Trường học phải là nơi giáo viên học, không chỉ là nơi học sinh học. Người giáo viên học hỏi là người mà việc giảng dạy bao gồm hoạt động trí tuệ thực sự của cả phía người giáo viên và phía người học sinh, chứ không chỉ là sự đọc thuộc lòng của giáo viên và sự ghi nhớ thụ động của người học sinh.

(Câu hỏi từ Self Hiil: Bạn thấy tư tưởng dạy và học như là một nghệ thuật hợp tác được vận dụng như thế nào tại Self Hiil?)



Sơ lược về tác giả:
Mortimer Adler (1902, 2001) là một triết gia, và là một trong những nhà giáo dục hàng đầu của Mỹ. Adler được coi là một trong những triết gia về giáo dục thuộc trường phái Perennialism, một lý thuyết giáo dục chủ trương rằng con người, dù ở bất cứ nơi nào, cùng sở hữu và chia sẻ một bản năng chung-lý tính¬-một bản năng xác định con người. Từ nhận định này, Adler chủ trương rằng nền giáo dục phổ thông phải đồng nhất cho mọi học sinh. Mọi học sinh đều phải được dạy để có 3 loại kiến thức: kiến thức phổ thông; kỹ năng tư duy; và hiểu biết về tư tưởng và giá trị. Mỗi loại kiến thức khác nhau đòi hỏi một phương pháp dạy khác nhau. Adler cùng Max Weismann thành lập Trung tâm Nghiên cứu các Tư Tưởng Vĩ Đại và ông cũng đề nghị một chương trình giảng dạy các tác phẩm kinh điển (Great Books) của văn hóa Tây phương cả hai trình độ trung học và đại học tại Mỹ và Canada.

Self Hiil sưu tầm và biên dịch từ tác phẩm Teaching, Learning, and Their Counterfeits.